Hòa mình vào dòng chảy công nghệ vạn vật kết nối, Trí tuệ Nhân tạo (AI) đang bùng nổ mạnh mẽ, len lỏi vào mọi mặt của đời sống, và giáo dục đại học cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của nó.
Nhận thức được tầm quan trọng và cả những thách thức to lớn mà AI mang lại, sáng nay ngày 26/7, trường Đại học Thái Bình Dương đã tiên phong tổ chức thành công Hội thảo “Gặp gỡ Hòn Nghê 2024: Những thách thức của Trí tuệ nhân tạo đối với các trường Đại học Việt Nam”.
Sự kiện đã quy tụ đông đảo những người làm giáo dục, các chuyên gia công nghệ hàng đầu, các lãnh đạo doanh nghiệp cùng chung tay kiến tạo bức tranh toàn cảnh về tác động của AI đến nền giáo dục đại học Việt Nam.
Với mục tiêu xuyên suốt là giải mã những thách thức và nắm bắt cơ hội từ AI, Hội thảo đã tạo nên một không gian thảo luận sôi nổi, đa chiều.
TS. Phạm Quốc Lộc (Hiệu trưởng trường ĐH Thái Bình Dương) chiêm nghiệm: “Nếu giáo dục nghệ thuật và nhân văn có tính khai phóng, con người được thoát khỏi những khuôn mẫu và giáo điều của tư duy, trở về với sự yêu mến tri thức cơ bản của giáo dục, thì AI là một công cụ đắc lực. Lúc đó, AI giặt đồ và rửa chén để chúng ta tư duy, chiêm nghiệm và sáng tạo.”
GS.TS Nguyễn Quý Thanh (Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội) đặt ra một số vấn đề đáng chú ý như: đảm bảo tính công bằng trong giáo dục, đạo đức trong sử dụng AI, khung pháp lý cho AI trong giáo dục.
Hay Ông Lê Công Thành (CEO InfoRE Technology) đưa ra góc nhìn về tác động của AI lên xã hội và thị trường lao động, từ đó nhấn mạnh vai trò của việc trang bị kỹ năng mới cho người học.
Hội thảo khép lại, nhưng đã gieo mầm cho những thay đổi tích cực, những hành động thiết thực trong việc ứng dụng AI vào giáo dục đại học.