ĐH Thái Bình Dương giúp sinh viên phát triển chuyên môn, khai phóng cho các cải tiến mang tính đột phá và đào tạo nên nhiều thế hệ bản lĩnh, đem lại giá trị tích cực cho cộng đồng.
TS Phạm Quốc Lộc – Hiệu trưởng trường ĐH Thái Bình Dương – chia sẻ sứ mệnh của trường bao trùm từ vấn đề vĩ mô như tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao về kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc đến câu chuyện sát sườn là tạo ra các sân chơi học thuật, hoạt động ngoại khóa cho sinh viên.
Theo TS Phạm Quốc Lộc, trường luôn tạo nên cơ hội để người học được rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, tự tin thể hiện năng lực, khai phá bản thân ngay từ khi trên giảng đường.
Ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường ĐH Thái Bình Dương theo học ngành Tài chính – Ngân hàng, cựu sinh viên Cao Thanh Thủy đã ấp ủ ước mơ trở thành cử nhân tài năng sau khi chứng kiến thành tích ấn tượng của các đàn anh, đàn chị khóa trước.
Trong 4 năm học, Thanh Thủy không những duy trì phong độ tốt với điểm trung bình chung tích lũy 3.64/4.00 mà còn tích cực tham dự các workshop, talkshow nghề nghiệp và nhiều cuộc thi học thuật do trường tổ chức.
Việc được tạo điều kiện tối đa tại chương trình “Thực học cùng doanh nghiệp” cùng nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp Thanh Thủy trở thành chuyên viên khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Á Châu ACB ngay khi kết thúc kỳ thực tập.
Cũng giống như Thanh Thủy, Thùy Minh (sinh viên năm 3 ngành Du lịch) có tinh thần chủ động trong công việc rất cao. Nữ sinh cũng liên tục tìm tòi, chịu khó học hỏi và tiếp thu những cái mới.
“Thùy Minh nhanh chóng thích nghi với công việc, tích cực chia sẻ và trao đổi cùng các đồng nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ với tất cả trách nhiệm”, quản lý nhân sự công ty du lịch Thùy Minh đang làm nhận xét.
Song song, thực tế cho thấy không ít sinh viên mới ra trường để vuột mất các cơ hội việc làm tốt. Lý do phổ biến có thể kể đến là kỹ năng mềm hạn chế, thiếu hiểu biết về môi trường doanh nghiệp hay kinh nghiệm làm việc. Những yếu tố này tạo ra “cú sốc văn hóa” khi sinh viên rời ghế giảng đường.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh và đòi hỏi ngày càng cao như hiện nay, tấm bằng tốt nghiệp là không đủ để chứng minh ứng viên có thể làm việc tốt, đặc biệt với những ngành kinh tế hay dịch vụ đòi hỏi nhiều kỹ năng, trải nghiệm.
Khác với trình độ phổ thông, trường đại học không đơn thuần là nơi để sinh viên lĩnh hội kiến thức từ sách vở, mà còn phải tạo ra môi trường giàu trải nghiệm. Việc kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành từ lâu đã là bài toán khó với đội ngũ làm giáo dục ở Việt Nam.
Tạo ra một không gian cho sinh viên học tập ngoại khóa, tiếp xúc doanh nghiệp, học hỏi các chuyên gia trong ngành, khám phá quy trình làm việc, sản xuất tại các tập đoàn, cơ sở, xưởng sản xuất… được xem là yêu cầu quan trọng, nhưng đồng thời là thách thức với các trường đại học.
Để làm được điều này, các cơ sở đào tạo giáo dục cần sự đồng hành xuyên suốt và toàn diện từ doanh nghiệp, chính là những nhà tuyển dụng tương lai. Một mặt, các doanh nghiệp có thể tham gia đào tạo và “đón đầu” nhân lực ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Các trường có thể liên tục tham vấn ý kiến để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường.
Tăng cường hợp tác doanh nghiệp là chìa khóa quan trọng, góp phần giải bài toán nhân lực cho thị trường lao động. “Thực học cùng doanh nghiệp” – điểm chạm giữa định hướng đào tạo và nhu cầu của nhà tuyển dụng – đã thúc đẩy các sinh viên trẻ năng động như Thanh Thủy, Thùy Minh trở thành nhân sự chất lượng cao chỉ sau vài năm học tập.
Mô hình này không những giảm tải áp lực học tập mà còn giúp sinh viên học đúng, học trúng kiến thức, kỹ năng mà nền kinh tế hiện đại đòi hỏi.
Xuyên suốt quá trình thành lập và phát triển của nhà trường, ĐH Thái Bình Dương được biết đến như một môi trường đại học vì cộng đồng, luôn cam kết lợi ích với người học. Điều này được thể hiện rõ qua các chương trình đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn, trong đó, mô hình “Thực học cùng doanh nghiệp” giúp sinh viên tự tin, bản lĩnh từ giảng đường đến doanh nghiệp.
TS Phạm Quốc Lộc khẳng định: “Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp là một trong những định hướng chiến lược của ĐH Thái Bình Dương. Những năm qua, việc được thực tế, thực tập, học hỏi từ doanh nghiệp đã giúp sinh viên không ngừng trau dồi và hoàn thiện kiến thức, hiểu biết thực tiễn cùng kỹ năng làm việc. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay”.
Hiện tại, nhà trường đã xây dựng được mạng lưới đối tác chiến lược với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ sở để Thái Bình Dương thực hiện cam kết 100% việc làm không qua phỏng vấn tại nhiều doanh nghiệp đẳng cấp, trong đó phải kể đến Ngân hàng HDBank, hãng hàng không Vietjet Air, Ana Mandara, L’aLya, Tập đoàn Sovico, TS. Lộc chia sẻ thêm.
Tham gia “Ngày hội việc làm” do ĐH Thái Bình Dương tổ chức vào tháng 2/2023 vừa qua, Thanh Hải (sinh viên năm 3 ngành Công nghệ thông tin) háo hức: “Mình tham gia ngày hội việc làm để tìm kiếm cơ hội cho bản thân, đồng thời tìm hiểu tiêu chí tuyển dụng ngành công nghệ thông tin đang theo học.
Sau đó, tự đánh giá được khả năng của bản thân và chủ động cải thiện năng lực, định hình được thái độ nghiêm túc và chuyên nghiệp trong học tập cũng như công việc để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hàng năm, nhà trường thường tổ chức ngày hội việc làm, rất nhiều doanh nghiệp tham gia với nhiều vị trí ứng tuyển phù hợp với sinh viên mới ra trường ở đủ nhóm ngành nghề, từ du lịch, kinh tế đến ngoại ngữ, công nghệ thông tin”.
Chương trình giảng dạy dù bám sát thực tiễn tới đâu, cũng khó sánh với trải nghiệm thực tế. Nhằm tăng tỷ lệ trúng tuyển việc làm sau khi ra trường cho sinh viên, thay vì yêu cầu dành 100% thời gian trên giảng đường, ĐH Thái Bình Dương hợp tác, liên kết nhiều doanh nghiệp, công ty lớn để người học có cơ hội “thực chiến” từ sớm.
Cụ thể, với nhóm ngành Quản trị Du lịch – nhà hàng – khách sạn, sinh viên ĐH Thái Bình Dương được tham quan kiến tập tại các resort lớn như Ana Mandara, L’Alya Ninh Van Bay, Sheraton, Vinpearl…
Ngoài ra, trường còn hợp tác để đưa sinh viên nhóm ngành công nghệ thông tin tới IVS, VHEC, ADAI lab, FOIS, FPT, Kaspersky Vietnam, Valley Campus Saigon (VCS), doanh nghiệp có vốn nước ngoài và trung tâm ngoại ngữ (ngôn ngữ Anh – Trung – Hàn) hay hợp tác cùng HDBank, HD Securities, HD Insurance đào tạo sinh viên nhóm ngành tài chính ngân hàng.
Việc tham quan, kiến tập tại doanh nghiệp có thể mất thời gian nhưng mang đến nhiều cơ hội cho sinh viên: Trực tiếp quan sát, học tập, tìm hiểu quy trình làm việc và quản lý của doanh nghiệp; rèn giũa thái độ, tác phong trong công việc; tích lũy kinh nghiệm từ đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp…
Từ đây, các bạn dễ dàng nhận biết và vận dụng hiệu quả kiến thức trọng yếu trong sách vở vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, trải nghiệm thực tế này còn tạo cơ hội cho sinh viên gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp. Đây là bước khởi đầu để mở rộng mối quan hệ và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Điều này đặc biệt có lợi cho quá trình “săn việc” trong tương lai. Đồng thời, sinh viên hoàn toàn có thể nắm bắt xu hướng, biến động và dự kiến xu thế của thị trường lao động, từ đó xây dựng lộ trình học tập, rèn luyện hợp lý.
“Thực học cùng doanh nghiệp” học thực tế gắn với trải nghiệm thực tiễn, đào tạo kỹ năng chuyên môn song hành kỹ năng mềm là bước tạo đà để sinh viên khắc phục điểm yếu về kinh nghiệm và trải nghiệm, song song phát huy năng lực, sớm định hướng bản thân để tự tin bước vào thị trường lao động.
Theo Phượng Minh – Zingnews (Xem bài viết gốc tại đây)