+84 258 3727 147
Trung tâm Giáo dục Tổng quát và Đổi mới sáng tạo là một đơn vị đào tạo thuộc Trường Đại học Thái Bình Dương. Trung tâm hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển các chương trình giáo dục có chất lượng, trang bị cho người học một nền tảng kiến thức rộng, nhất quán và kỹ năng có thể chuyển đổi, phù hợp với chuẩn mực đề ra, đáp ứng đa dạng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Các môn học tại Trung tâm được thiết kế để tạo trải nghiệm độc đáo, hào hứng và thách thức nhằm phát triển tri thức, kỹ năng, ngoại ngữ và nhân cách của người học; qua đó, cổ võ họ phát triển thành những người có đạo đức, có tri thức, có khả năng diễn đạt lưu loát và phát triển toàn diện.
Trung tâm cũng là nơi thúc đẩy phong trào Đổi mới sáng tạo và tinh thần doanh chủ (entrepreneurship), góp phần vào sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại địa phương và quốc gia.
Chương trình học lấy người học làm trung tâm?
Trải nghiệm của sinh viên chính là ưu tiên hàng đầu trong quá trình dạy và học tại Trường Đại học Thái Bình Dương. Ngay từ năm nhất, sinh viên được tiếp xúc với những giảng viên thân thiện, gần gũi với sinh viên. Họ đóng vai trò là người đồng hành và hỗ trợ để sinh viên phát huy tinh thần làm chủ việc học của bản thân mình.
Với các lớp học có số lượng sinh viên ít và đa dạng về các hoạt động trong lớp, sinh viên và giảng viên có nhiều sự tương tác có ý nghĩa để qua đó cá nhân mỗi sinh viên phát triển tốt nhất năng lực của bản thân. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng là nơi kết nối, quy tụ những doanh nhân thành đạt, những nhân sĩ trí thức có uy tín nhằm tạo động lực và truyền cảm hứng cho sinh viên để họ phấn đấu trở thành những con người thành công, hạnh phúc và có đóng góp tích cực cho xã hội.
Cấu trúc chương trình
Sinh viên có 12 tín chỉ để lựa chọn trong các học phần này với sự tư vấn và hướng dẫn đầy đủ từ phía các giảng viên. Các học phần này được chia thành 4 nhóm:
Mã số môn học | Tên học phần | Số tiết | Tín chỉ |
GDTQ110V1 | Giới: xưa và nay, đông và tây | 45 | 3 |
GDTQ131V1 | Triết học: Tình yêu đối với sự hiểu biết | 45 | 3 |
GDTQ131V1 | Con người hiện đại và môi trường | 45 | 3 |
VH102V1 | Vấn đề xã hội: truyền thống và hiện đại | 45 | 3 |
VH103V1 | Văn hóa VN và giao lưu văn hóa quốc tế | 45 | 3 |
VH104V1 | Lịch sử VN và lịch sử văn minh thế giới | 45 | 3 |
VH105V1 | Lễ tân ngoại giao và giao tiếp liên văn hóa | 45 | 3 |
GDTQ113V1 | Kinh tế – chính trị các nước Đông Á (Trung – Hàn – Nhật) | 45 | 3 |
GDTQ114V1 | Lịch sử – văn hóa – xã hội các nước Đông Á (Trung – Hàn – Nhật) | 45 | 3 |
GDTQ132V1 | Việt Nam và các nước trong bối cảnh toàn cầu | 45 | 3 |
GDTQ133V1 | Tư duy lịch sử: Quá khứ và Sự thật | 45 | 3 |
GDTQ134V1 | Luật pháp: Triết lý, tinh thần và các nguyên tắc | 45 | 3 |
Mã số môn học | Tên học phần | Số tiết | Tín chỉ |
VH107V1 | Tiếng Việt: Chuẩn mực và sáng tạo | 45 | 3 |
GDTQ135V1 | Quản lý cảm xúc trong giao tiếp và làm việc nhóm | 45 | 3 |
GDTQ116V1 | Học tập suốt đời và thích ứng | 45 | 3 |
GDTQ117V1 | Phản biện xã hội | 45 | 3 |
KT106V1 | Phân tích dữ liệu ứng dụng | 45 | 3 |
LUAT101V1 | Logic và kỹ năng lập luận | 45 | 3 |
CNTT109V1 | Công nghệ thông tin: Thực tiễn cuộc sống, công việc và chuyển đổi số | 45 | 3 |
GDTQ119V1 | Triết học và tôn giáo Đông – Tây | 45 | 3 |
GDTQ120V1 | Cảm thụ nghệ thuật Đông –Tây | 45 | 3 |
GDTQ121V1 | Phương pháp học đại học và nghiên cứu khoa học | 45 | 3 |
GDTQ136V1 | Tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề | 45 | 3 |
GDTQ137V1 | Khoa học và nghệ thuật lãnh đạo | 45 | 3 |
Mã số môn học | Tên học phần | Số tiết | Tín chỉ |
GDTQ122V1 | Tranh biện đạo đức học: cuộc sống và nghề nghiệp | 45 | 3 |
GDTQ123V1 | Trách nhiệm xã hội của tổ chức | 45 | 3 |
GDTQ124V1 | Xây dựng cộng đồng xanh | 45 | 3 |
GDTQ125V1 | Phát triển toàn diện qua nghệ thuật | 45 | 3 |
GDTQ126V1 | Thành công và hạnh phúc | 45 | 3 |
GDTQ138V1 | Hiểu về quyền con người | 45 | 3 |
GDTQ139V1 | Xung đột và hoà bình | 45 | 3 |
Mã số môn học | Tên học phần | Số tiết | Tín chỉ |
GDTQ140V1 | Thích nghi: Thực tiễn cuộc sống và công việc | 45 | 3 |
GDTQ128V1 | Thực tế doanh nghiệp và cộng đồng | 45 | 3 |
QTKD106V1 | Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo | 45 | 3 |
GDTQ129V1 | Học tập thông qua phục vụ cộng đồng | 45 | 3 |
GDTQ130V1 | Hóa – Sinh trong cuộc sống | 45 | 3 |
GDTQ141V1 | Tâm lý học và đời sống | 45 | 3 |
Các học phần kiến thức và kỹ năng tổng quát học kỳ I năm học 2021-2022
Nhóm kiến thức tổng quát về con người, xã hội và tự nhiên
Giảng viên: TS. Phạm Quốc Lộc
Thành công và Hạnh phúc là môn học mới và đặc thù được thầy Phạm Quốc Lộc (Tiến sĩ Văn học so sánh, Đại học Masschusetts Amherst, Hoa Kỳ) thiết kế đặc biệt cho sinh viên năm nhất Trường Đại học Thái Bình Dương.
Trái với quan điểm thông thường, môn học này dựa trên cơ sở khoa học cho rằng hạnh phúc là cái có thể “học” được và thành công là cái có thể chuẩn bị với những hiểu biết và kỹ năng nhất định; từ đó, môn học nhằm chuẩn bị cho sinh viên một nền tảng kiến thức và tư duy sâu về thành công và hạnh phúc với các kỹ năng thực hành để “thử nghiệm” ngay trong quãng thời gian học tập tại TBD.
Thầy và trò của Thành công và Hạnh phúc sẽ cùng nhau khám phá hai khái niệm thú vị này từ nhiều góc độ: khoa học, tâm lý, triết học, tôn giáo, văn hoá, cá nhân, bên cạnh những hoạt động “thực hành hạnh phúc” và “hoạch định thành công” như lòng biết ơn, thấu cảm, tạo dựng quan hệ tích cực, v.v.
Tài liệu học tập của môn học đa dạng, từ đọc sách cho đến nghe nhạc, xem phim, thưởng ngoạn nghệ thuật, ẩm thực (nếu điều kiện cho phép).
Hoạt động tại lớp bao gồm thảo luận nhóm, tranh biện, thuyết trình, chiêm nghiệm, tĩnh lặng, lắng nghe sâu; ngoài lớp gồm khảo sát và nghiên cứu. Môn học thể hiện triết lý giáo dục khai phóng của TBD đồng thời nâng cao thông minh cảm xúc cho sinh viên, giúp sinh viên đủ nghị lực lao vào một thể giới phức tạp, ngày càng giãn cách, đầy biến động và rủi ro của thời đại toàn cầu hoá ngày nay.
Nhóm kiến thức tổng quát về con người, xã hội và tự nhiên
Giảng viên: ThS. Nguyễn Trần Bảo Trinh
Từ cách nhìn cuộc sống đến bài học về trách nhiệm và sự thấu cảm trong sự chung sống của con người đều được thể hiện trong triết lý giáo dục khai phóng tại trường Đại học Thái Bình Dương, qua môn học Vấn đề xã hội: Truyền thống và hiện đại. Môn học này trang bị cho người học nền tảng kiến thức và tư duy về một số vấn đề xã hội theo chiều dài thời gian và những bối cảnh không gian tồn tại khác nhau của chúng từ nhiều góc độ: xã hội học, văn hóa học, tâm lý học, đạo đức học.
Những giờ trải nghiệm môn học Vấn đề xã hội: Truyền thống và hiện đại sẽ giúp thầy và trò quay về với nội tâm của mình, phản tư nhiều hơn về mối quan hệ giữa người với người, thông hiểu các giá trị thông qua nhìn nhận sự tồn tại và biến đổi của các vấn đề xã hội: Bạo lực gia đình, Hôn nhân đồng giới, Tội phạm vị thành niên, Mại dâm, LGBTQ+ và Nạn kỳ thị giới tính.
Sinh viên thể hiện sự suy tư và trách nhiệm của bản thân thông qua tự do tranh biện về mọi khía cạnh xoay quanh các vấn đề xã hội như nguyên nhân hình thành, biểu hiện và giá trị của chúng từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây qua nhiều hình thức học tập như dự lớp, xem và bình luận phim, thuyết trình, viết đề án, thực hiện nghiên cứu xã hội học cơ bản.
Nhóm kiến thức tổng quát về con người, xã hội và tự nhiên
Giảng viên: ThS. Nguyễn Trần Bảo Trinh
Tư duy lịch sử: Quá khứ và sự thật là học phần nhằm trang bị cho sinh viên những cách nhìn, cách nghĩ về lịch sử dựa trên một số thao tác của các dạng thức tư duy phong phú và nền tảng như tư duy so sánh quá khứ và hiện tại, tư duy về sự thay đổi và biến chuyển, tìm kiếm sự khởi nguyên của sự vật, tư duy về mối liên quan giữa các điều kiện xã hội.
Không chỉ đọc hiểu để đánh giá ý nghĩa sự thật lịch sử trong dòng chảy thời gian, sinh viên còn có cơ hội tiếp cận nguồn dã sử phong phú từ cái nhìn chân phương của tâm thức dân gian, được học tập tại địa chỉ lịch sử văn hóa, cùng tìm hiểu lịch sử một cách đa nguồn từ sách báo, phim ảnh, có kiến thức sâu và rộng thông qua các chuyên đề về lịch sử khẩn hoang, bảo vệ lãnh thổ, lịch sử tư tưởng, tôn giáo và chữ viết, lịch sử địa phương. Nhờ đó, sinh viên hình thành cái nhìn đa chiều trước một vấn đề của lịch sử, hiểu rõ giới hạn của sự thật và niềm tin, tự tin phản biện những diễn dịch thiên lệch về lịch sử, luôn cảm thấy tò mò và mong muốn tìm hiểu vấn đề trước khi trước khi đưa ra nhận định của bản thân.
Nhóm kiến thức tổng quát về con người, xã hội và tự nhiên
Giảng viên: TS. Lê Anh Vân
Việt Nam và các nước trong bối cảnh toàn cầu là học phần được thiết kế nhằm giúp người học hình dung được lịch sử, vị thế, và phần nào chủ trương của Việt Nam trong mối quan hệ ngoại giao với các nước Đông phương gần gũi như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản v.v, cũng như với một số nước Tây phương có tầm ảnh hưởng trực diện đến Việt Nam như: Nga, Pháp, Mỹ, v.v
Bên cạnh các cơ sở lý thuyết và lược sử ngoại giao Việt Nam, nhiều bài học còn sử dụng chất liệu là các câu chuyện ngoại giao song phương thú vị được kể bởi những “người trong cuộc” là chính các nhà ngoại giao Việt Nam. Trong đó, có cả những quan hệ thăng trầm, dù đã từng được mô tả chính thống nhưng rất ít được nhắc đến trong bối cảnh bang giao hiện nay, ví dụ như “Sự thật về quan hệ Việt – Trung” trong 30 năm trước chiến tranh biên giới.
Việt Nam và các nước trong bối cảnh toàn cầu là học phần không chỉ quan tâm đến quá khứ, mà còn tìm cách kiến giải hiện tại và đưa ra những tiên liệu, dự đoán cho tương lai; nó không chỉ bao gồm những “nốt thăng” của những thành tựu, mà còn có những trầm lắng hay hụt hẫng còn đọng lại như những bài học kinh nghiệm cần được rút tỉa.
Nhóm kỹ năng thích nghi thực tiễn
Giảng viên: Ths. Hồ Thị Thuỳ Vân
Hiểu biết tâm lý con người là một lợi thế trong các hoạt động tương tác xã hội. Cũng vì thế mà mục tiêu của môn học này là giúp sinh viên nghiên cứu về các hiện tượng tâm lý diễn ra trong thế giới nội tâm có ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của con người, qua đó giúp họ hiểu hơn về bản thân và những người xung quanh. Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị các kỹ năng cần thiết để tự tin áp dụng kiến thức Tâm lý trong nhiều ngành nghề khác nhau trên thị trường lao động, đem lại cơ hội nghề nghiệp rộng mở và tiềm năng phát triển các kỹ năng cần thiết.
Ở môn học này, giảng viên và sinh viên cùng nhau nghiên cứu các kiến thức tâm lý học vô cùng gần gũi, ở nhiều góc độ khác nhau của cuộc sống: văn hóa, du lịch, giáo dục, đến kinh tế, chính trị bằng nhiều nguồn tài liệu khác nhau như đọc sách, xem video, thực hiện tình huống, trải nghiệm thực tế cùng với phương thức đánh giá đa dạng được triển khai trong xuyên suốt học phần, môn học sẽ giúp sinh viên nhìn rõ hơn năng lực bản thân và khai thác hết tiềm năng của mình.
Giảng viên hướng dẫn học phần là những người nhiệt tình – tận tâm, nắm vững kiến thúc chuyên môn, có niềm đam mê nghiên cứu, luôn biết cách ứng dụng những phương pháp dạy học tích cực để người học có được môi trường và điều kiện học tập tốt nhất. Môn học “Tâm lý học và đời sống” là sự lựa chọn cho những ai đam mê tìm hiểu và lý giải về hành vi, cảm xúc và tư duy của con người.
Nhóm kỹ năng thực hành và năng lực trí tuệ
Giảng viên: Ths. Nguyễn Đăng Bắc
Học phần Công nghệ thông tin: Thực tiễn cuộc sống, công việc và chuyển đổi số được thiết kế nhằm trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin như: soạn thảo văn bản trên MS Word; quản lý và xử lý dữ liệu trên MS Excel; khai thác và sử dụng Internet, hệ sinh thái Google; quản lý và an toàn thông tin; chuyển đổi số (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, IoT).
Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng thích ứng với thời đại công nghệ số thông qua việc nắm bắt được các xu hướng công nghệ và sử dụng thành thạo được một số công cụ/ứng dụng cơ bản như: MS Office, hệ sinh thái Google, và các ứng dụng cơ bản trên Internet (Facebook, Google Search, DropBox,…) trong quá trình học tập và làm việc.
Nhóm kiến thức trách nhiệm cá nhân và đạo đức xã hội
Giảng viên: Ths. Nguyễn Trương Bảo Khuyên và Ths. Võ Đình Văn
Xung đột và Hòa bình (PACS) là học phần nhằm giới thiệu cho sinh viên các vấn đề và khái niệm trọng tâm liên quan đến những nghiên cứu liên ngành về hòa bình và xung đột trong tương quan với những ngành nghiên cứu xã hội khác. PASC luôn cố gắng tìm hiểu các yếu tố làm phát sinh các hành vi bạo tồn tại ở những dạng thức và quy mô khác nhau trong cuộc sống.
Thông qua những hiểu biết nền tảng và căng cơ về các xu hướng bạo lực trong cuộc sống, môn học cũng hướng đến việc phát triển và thúc đẩy một thói quen hành xử ít bạo lực hơn và hòa bình hơn trong các cuộc xung đột ở nhiều mức độ khác nhau: giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, và giữa tập thể với nhau.
Trong khóa học này, thầy và trò của PACS sẽ cùng nhau thảo luận về ý nghĩa của việc xây dựng hòa bình, cũng như các xã hội hòa bình, công bằng và bình đẳng sẽ có những đặc tính như thế nào. Bên cạnh đó, những chủ đề thường nhật như cách thức giao tiếp phi bạo lực ở xóm trọ, học đường, nơi làm việc, v.v. hi vọng góp phần thực tiễn giúp sinh viên bước vào cuộc sống với một tư duy và thói quen hành xử phi bạo lực.
Nhóm kiến thức trách nhiệm cá nhân và đạo đức xã hội
Giảng viên: Ths. Võ Đình Văn
Đạo đức là một phần không thể thiếu của xã hội loài người. Dù là ở thời đại nào hay ở bất cứ nơi đâu, những vấn đề liên quan đến đạo đức đều khiến người ta phải đặt (những) câu hỏi đầy thách thức, dai dẳng, và không có một câu trả lời đơn lẻ.
Học phần Tranh biện đạo đức: cuộc sống và công việc, thông qua việc viện dẫn những khung lý thuyết thuộc các trường phái đạo đức khác nhau, hướng đến việcgiúp người học xác định, phân biệt giữa những suy nghĩ và hành động phù hợp với những suy nghĩ không phù hợp gây nên những tổn thương hoặc có hại cho người khác và cho chính chúng ta. Bên cạnh đó, những hoạt động mang tính chiêm nghiệm trong lớp giúp sinh viên soi rọi được những kiến thức mình học vào chính thực tế đời sống qua đó họ có thể suy tư và bàn luận/ tranh luận về những vấn đề liên quan đến đạo đức một cách có ý nghĩa.
Tài liệu học tập của môn học khá đa dạng: từ những tác phẩm văn học kinh điển, những giáo trình cập nhật, những tình huống có thật trong cuộc sống, những bộ phim, v.v. góp phần làm cho học phần trở nên sinh động và gần gũi với cuộc sống.
Các phương thức đánh giá
Các kỹ năng và kiến thức hàm chứa trong các môn học không chỉ được đánh giá qua những bài thi đầy áp lực và nặng nề, trái lại, chúng được triển khai một cách đa dạng và phong phú để giúp sinh viên nhìn rõ được những điều đạt được và chưa đạt được trong chính việc học của mình.
Những phương thức đánh giá đa dạng như: Các bài kiểm tra nhanh, những bài viết chiêm nghiệm, những bài nghiên cứu sâu, những bài tập nhóm, v.v. được triển khai một cách xuyên suốt và chặt chẽ trong các học phần phát triển bởi Trung tâm. Điều này giúp giảng viên và sinh viên theo dõi một cách toàn diện quá trình học tập, qua đó đưa ra những định hướng, điều chỉnh để phát huy tốt nhất năng lực của từng người học.
Đề án cá nhân
Trong quá trình học, sinh viên được khuyến khích sử dụng kiến thức, kỹ năng được học để phát triển những đề án cá nhân của mình. Các công trình dấu ấn này chính là nền tảng để sinh viên liên kết giữa việc học tại giảng đường và đời sống thực tiễn. Các đề án cá nhân này thường bắt đầu với việc tò mò, tìm tòi phương cách giải quyết một vấn đề và chúng thường mang dấu ấn cá nhân của sinh viên.
Thông tin liên lạc:
Trung tâm Giáo dục tổng quát và Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Thái Bình Dương
Người liên lạc chính: Ths. Nguyễn Trần Bảo Trinh
Email: trinh.ntb@tbd.edu.vn
Phone: 0976429011
Zalo: 0976429011