Ngày 27-7 hằng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú của dân tộc, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do và hòa bình của Tổ quốc.

“Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hoà bình”, câu hát trong ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là lời nhắc nhở sâu sắc về sự đánh đổi lớn lao của những thế hệ đi trước. Ca khúc mới của nhạc sĩ trẻ được vang lên trong nhiều chương trình lớn như Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam hay Vinh quang Công an nhân dân Việt Nam, những sự kiện trọng đại đã gợi nhắc về lòng yêu nước và giá trị của hòa bình, trở thành câu hát được nhân dân Việt Nam ngân nga suốt những dấu mốc kỷ niệm trong năm 2025. Và cũng trong tinh thần đó, trong dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, chúng ta lại cùng nhau cúi đầu tưởng niệm, tri ân những người đi trước đã hiến dâng tuổi xuân, máu xương và cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc.

Nhìn về lịch sử

Ngày 27 tháng 7 năm 1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, một cuộc họp quan trọng đã được tổ chức nhằm bàn thảo về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc chọn một ngày trong năm làm ngày “Thương binh”. Sau quá trình thảo luận và cân nhắc, hội nghị đã nhất trí chọn ngày 27-7 làm Ngày Thương binh toàn quốc.

Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ (cũ), Thái Nguyên – Ảnh: TNGOP.

Trong buổi lễ trang trọng hôm ấy, ban tổ chức đã đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến các đồng chí thương binh trên cả nước. Cùng với tình cảm sâu nặng, Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Kể từ đó, vào mỗi dịp 27–7 hằng năm, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên và gửi quà đến các thương binh, gia đình liệt sĩ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao cả của dân tộc Việt Nam.

“Càng tưởng nhớ đến những người con dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm trọn nhiệm vụ tổng động viên, để chuẩn bị đầy đủ, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để tranh lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc”. Đó là lời căn dặn đầy cảm xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi ban tổ chức Trung ương Ngày Thương binh – Liệt sĩ năm 1950. Khi ấy, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chuẩn bị mở chiến dịch trên hướng biên giới Đông Bắc thuộc hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn nhằm mục đích tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới.

Từ tháng 7-1955, Ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh – Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Năm 2025 đánh dấu 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, tiếp tục là một chặng đường để thế hệ hôm nay khắc ghi công ơn, gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa và đạo lý dân tộc. Trải qua hơn bảy thập kỷ, công tác “đền ơn đáp nghĩa” luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm sâu sắc. Hành trình về nguồn, thăm lại các chiến trường xưa, các nghĩa trang liệt sĩ, vẫn đang tiếp nối qua từng thế hệ – như một lời cam kết lặng thầm nhưng bền vững: không ai bị lãng quên, không sự hy sinh nào là vô nghĩa.

Tiếp nối truyền thống – Trường Đại học Thái Bình Dương giáo dục lòng biết ơn trong từng thế hệ sinh viên

Trường Đại học Thái Bình Dương luôn xem việc giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là một phần quan trọng trong hành trình đào tạo con người toàn diện. Thông qua các môn học về lịch sử, chính trị, kỹ năng công dân, các buổi sinh hoạt chuyên đề, chương trình văn hóa nghệ thuật, Nhà trường không ngừng nhắc nhớ sinh viên về công lao của các thế hệ đi trước.

Đoàn Trường Đại học Thái Bình Dương thăm và tặng quà các gia đình chính sách.
Sinh viên Trường Đại học Thái Bình Dương dâng hoa, thắp hương, tham quan và tìm hiểu về Di tích địa điểm lưu niệm Tàu không số C235.

Trong nhiều năm qua, mỗi dịp tháng Bảy về, tuổi trẻ Trường Đại học Thái Bình Dương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các hoạt động tri ân, tưởng niệm và sẻ chia cùng những gia đình có công với cách mạng. Đây là dịp để sinh viên, đoàn viên của trường bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ cha anh đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Với tinh thần đó, Đoàn Trường từng phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ tại phường Tây Nha Trang và các khu vực lân cận. Những phần quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm chân thành, là sự gắn kết giữa thế hệ trẻ hôm nay với những giá trị lớn lao trong lịch sử dân tộc. Đồng thời, Hội Sinh viên Nhà trường cũng đã nhiều lần trao tặng quà, học bổng cho các em học sinh là con em gia đình chính sách  như một cách tiếp thêm niềm tin và động lực để các em vững bước trên con đường học tập.

Những hoạt động ấy đã trở thành một phần trong hành trình giáo dục đạo đức, lòng nhân ái và trách nhiệm xã hội cho sinh viên Trường Đại học Thái Bình Dương. Nhà trường tin rằng giáo dục lòng biết ơn là nền tảng để hình thành nên những con người có nhân cách, có bản lĩnh, sẵn sàng dấn thân vì lợi ích chung. Đó cũng chính là cách Nhà trường tiếp nối và lan tỏa truyền thống cao đẹp của dân tộc trong thời đại hôm nay.

P. TSTT