Hỏi: Em gái tôi làm mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ hơn 10 tuổi. Hiện nay, cô ấy lâm bệnh không chăm sóc con được. Trường hợp em tôi cần người khác giúp đỡ thì các yêu cầu được đặt ra thế nào để đảm bảo cháu được nuôi dưỡng chu đáo?

Hoàng Lệ Hoa (huyện Khánh Vĩnh)

Trả lời: Luật Trẻ em có quy định các trường hợp trẻ em cần được chăm sóc thay thế, là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Theo luật này, việc cho, nhận chăm sóc thay thế đối với trẻ em còn cả cha và mẹ hoặc chỉ còn cha hoặc mẹ nhưng không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha và mẹ, cha hoặc mẹ (trừ trường hợp có can thiệp của pháp luật). Người nhận chăm sóc thay thế phải bảo đảm các điều kiện như:  

–  Có sức khỏe, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt; không bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên…;

–  Có chỗ ở và điều kiện kinh tế phù hợp, bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em;

– Tự nguyện nhận chăm sóc trẻ em; có sự đồng thuận giữa các thành viên trong gia đình về việc nhận chăm sóc trẻ em; các thành viên trong gia đình không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em;

–  Người thân thích nhận trẻ em chăm sóc thay thế phải là người thành niên; các trường hợp khác phải hơn trẻ em từ 20 tuổi trở lên.

Người nhận chăm sóc thay thế phải đăng ký với UBND cấp xã nơi cư trú và phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm được pháp luật giao. Chủ tịch UBND cấp xã quyết định giao trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế.

Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG