Trong buổi mạn đàm số thứ 7 lần này, quý khán giả sẽ gặp lại TS. Lê Nguyên Phương tại một không gian nghệ thuật độc đáo ở phố núi Đà Lạt.
?Link đăng ký tham gia MIỄN PHÍ: https://forms.gle/bCwxUTyn2HutZSwr5
?Hình thức: trực tiếp tại Phố Bên Đồi (10 Lý Tự Trọng – Đà Lạt) kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom.
?9:00 – 11:30 ngày chủ nhật (11/9/2022)
Căn tính hay bản sắc là một khái niệm không phải chỉ độc quyền của triết học mà còn của tâm lý học. Trong tâm lý học, thuật ngữ này được sử dụng phổ biến nhất để mô tả về phẩm chất và đặc điểm tạo ra sự độc đáo của một cá nhân, đặc biệt về hình ảnh và tính cách của một cá nhân và của cả người khác khi nhận diện cá nhân đó.
Thế nhưng ở một tầng sâu hơn, căn tính còn liên quan đến bản thể như một nền tảng cho tất cả tính cách, thái độ, và hành vi của một cá nhân được hình thành và thể hiện. Tâm lý học Bản thể [ego psychology] của Phân tâm học nhìn căn tính như là sự hòa điệu lẫn mâu thuẫn giữa các phần bản năng [id], bản ngã [ego], và siêu ngã [superego]. Tâm lý học Nhân bản thấy căn tính như một hành trình từ khái niệm bản thân [self-concept] đến sự hiện thực hóa toàn mãn [self-actualization]. Ngay cả khái niệm Hữu Tại Thế [Being-in-the-World] của Tâm lý học Hiện sinh cũng đề cập đến căn tính, như là các đặc trưng cho sự tồn tại của mỗi cá nhân ở chốn trần gian với ý nghĩa và sự phát triển đặc thù của nó. Ở đây chúng ta lại thấy bóng dáng của Tâm lý học Phát triển với lý thuyết tâm lý xã hội của Erick Erikson với căn tính như sản phẩm của sự tương tác giữa cá nhân và môi trường được hình thành trong độ tuổi thiếu niên và làm nền tảng cho mọi sự phát triển khác đến tận cuối đời.
Trong tham vấn tâm lý, đề tài căn tính xuất hiện thường xuyên khi sự xung đột giữa các mối quan hệ xã hội hiện hữu, từ cha mẹ-con cái, chồng-vợ, đến nhân viên-công việc. Từ một bé vị thành niên khủng hoảng vì cảm thấy bị áp lực trở thành một con người xã hội khuôn mẫu đến một bạn trung niên hoang mang trong ý nghĩa công việc sau khi đã đạt được những vị trí lãnh đạo của công ty. Khi khổ đau trong hoang mang hay khủng hoảng về căn tính, chúng ta đào thoát qua các hành vi tự bại, tự hại, và cả tự sát. Một bạn trẻ ngồi hàng giờ trước máy tính chơi video game, một người đàn ông ngoại tình khi không còn thấy ý nghĩa của gia đình, một phụ nữ bỏ việc và thường xuyên rơi vào các cơn tuột mood. Ẩn tàng dưới những hành vi đó thường xuyên là một ẩn ức về việc mình không được sống như chính mình hoặc không biết ý nghĩa sống của mình là gì.
GIỚI THIỆU VỀ DIỄN GIẢ:
?TS. Lê Nguyên Phương đã nhận bằng Thạc sĩ về Tâm lý Giáo dục và Học đường tại Đại học Bang California, Long Beach và bằng Tiến sĩ về Lãnh đạo Giáo dục chuyên về Tâm lý Giáo dục tại Đại học Nam California.
?Ông có hơn 18 năm kinh nghiệm làm nhà Tâm lý Học đường cho các khu học chánh lớn ở California, Hoa Kỳ và đồng thời cũng là giảng viên trong các chương trình cao học Tâm lý và Tham vấn Học đường tại Đại học Bang California, Đại học Long Beach và Đại học Chapman.
?Năm 2011, ông là người đầu tiên nhận được Giải thưởng Thực hành Tâm lý Học đường Quốc tế Xuất sắc của Hiệp hội Tâm lý Học đường Quốc tế (ISPA). Ông cũng là người đồng sáng lập của Consortium to Advance School Psychology in Vietnam (CASP-V) vào năm 2010 và là Chuyên gia Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ năm 2014 đến năm 2019.
?Ông là tác giả của bộ sách “Dạy con trong hoang mang” (2 tập) – được bình chọn Giải Sách Hay 2018 hạng mục sách Giáo dục tại Việt Nam và đồng tác giả của chương trình đào tạo thạc sĩ Tâm lý Học đường tại Đại học Sư phạm Hà Nội và Tham vấn Học đường tại Đại học Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội.
⭐️CAFÉ HỌC THUẬT TBD là chuỗi toạ đàm thường kỳ được tổ chức bởi Trung tâm Giáo dục Tổng quát và Đổi mới sáng tạo (trường Đại học Thái Bình Dương). ⛺️Phố Bên Đồi là dự án nghệ thuật đa hình thái mang tính cộng đồng được thành lập từ năm 2016, với mục tiêu định vị Đà Lạt là điểm đến văn hoá độc đáo của khu vực Đông Nam Á.
Quý khán giả có thể theo dõi lại các số trước của CAFÉ HỌC THUẬT TBD tại: https://www.facebook.com/watch/TruongDaihocThaiBinhDuong/5347181641961058/