Ngày 17/3, Trường ĐH Thái Bình Dương đã tổ chức Hội thảo khoa học ‘Đào tạo Luật ở Việt Nam và việc nâng cao chất lượng hoạt động một số chức danh bổ trợ tư pháp’.

Hội thảo với sự góp mặt của đông đảo các đại biểu trong ngành luật.

Mới đây, Trường ĐH Thái Bình Dương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo Luật ở Việt Nam và việc nâng cao chất lượng hoạt động một số chức danh bổ trợ tư pháp” nhằm mục đích cập nhật, chia sẻ các trải nghiệm, tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo ngành luật, cũng như tăng cường hiệu quả hoạt động bổ trợ tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những vấn đề như: triết lý, chương trình, phương pháp, kinh nghiệm đào tạo luật, kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo luật, đào tạo hành nghề luật sư và thực trạng nghề luật sư. Chia sẻ kỹ năng tư vấn pháp luật và thực trạng hành nghề, thực tiễn về công chứng, thừa phát lại, và giám định tư pháp. Cùng với những kiến thức được đưa ra về pháp luật và thực tiễn về đấu giá tài sản và quản tài viên, pháp luật và thực tiễn về trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, các lĩnh vực và chủ đề khác có liên quan.

Hầu hết các chức danh nghề nghiệp của khối dịch vụ bổ trợ tư pháp như luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng đều đòi hỏi điều kiện hành nghề tiên quyết là tốt nghiệp ngành luật từ bậc đại học trở lên. Một số chức danh nghề nghiệp còn lại như giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại… dù không bắt buộc phải có chuyên môn ngành luật nhưng trong thực tế sẽ rất khó hoạt động hành nghề mà không am hiểu pháp luật. Do đó, việc đáp ứng được nhu cầu phát triển dịch vụ bổ trợ tư pháp là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở đào tạo cử nhân luật giai đoạn hiện nay.

Bà Đặng Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp phát biểu tại hội thảo.

Bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp mong muốn các bài tham luận tại hội thảo sẽ góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của nghề Luật, góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển chất lượng hoạt động. Và quan trọng hơn cả là tính chuyên nghiệp trong hoạt động bổ trợ tư pháp, có khả năng thích ứng nhanh với sự biến động của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ. Song song với đó, đảm bảo an toàn về pháp lý cho hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án Hình sự, Dân sự, Hành chính…, nâng cao chất lượng các dịch vụ Luật sư, Công chứng, Giám định tư pháp, Đấu giá, Thừa phát lại.

Theo Phạm Hiển – Báo Giáo dục và Thời đại (Xem bài viết gốc tại đây)