Lời Ban biên tập: Vừa qua, Khoa công nghệ thông tin (CNTT) ĐH Thái Bình Dương đã tổ chức Seminar “Những kiến thức, kỹ năng sinh viên IT cần có khi tìm việc” thu hút gần 100 sinh viên, học sinh THPT tham dự. Đặc biệt, sinh viên năm cuối được huấn luyện một số kỹ năng và được phỏng vấn, tuyển dụng ngay tại sự kiện bởi hai diễn giả đến từ TP. Hồ Chí Minh: Ông Bùi Huy Tín – Founder, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CleverHub và ông Đinh Đức Ngân Hoàng – Giám đốc Phòng quản lý dự án Bstar Solutions. Một số học sinh, sinh viên thích ngành CNTT đã chia sẻ cảm nhận chân thực về sự kiện này.

Lê Vĩnh Ngà (lớp DH18CNTT, Đại học Thái Bình Dương): Phỏng vấn “thử” nhưng cơ hội việc làm “thật”

Sinh viên Lê Vĩnh Ngà tự tin trả lời phỏng vấn trước nhà tuyển dụng lớn trong ngành IT. Ảnh: Bá Nha.

Em thật sự ấn tượng với sự kiện “Seminar công nghệ và phỏng vấn việc làm IT” ngày 31/5 do Khoa CNTT tổ chức. Bởi em được gặp gỡ các diễn giả là những chuyên gia nổi tiếng và thành công lĩnh vực IT. Em học được rất nhiều frameworks và kiến thức cần thiết để có thể chuẩn bị thật tốt cho công việc kỹ sư phần mềm trong tương lai.

Tại sự kiện, diễn giả Bùi Huy Tín không chỉ giới thiệu về các công nghệ cho hành trình Front-end và Back-end mà còn nêu ra những ưu điểm, nhược điểm của từng phương pháp để có thể áp dụng công nghệ vào thực tiễn công việc. Thật quý khi được các diễn giả “hé lộ” những sai lầm thường mắc phải của anh/chị thí sinh trong những buổi phỏng vấn. Hơn nữa, thật là may mắn khi em được trải nghiệm buổi phỏng vấn “thử” nhưng mà cơ hội việc làm “thật”.

Qua buổi phỏng vấn và seminar công nghệ này, em rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm để có thể chuẩn bị tốt hơn cho công việc kỹ sư phần mềm của em trong tương lai. Cùng với đó em phát hiện ra những nhược điểm cần phải thay đổi để hoàn thiện bản thân trước khi ra trường, đi làm nghề IT.

Theo em biết thì cơ hội tuyển dụng của các công ty tại khu vực miền trung nói riêng và cả nước nói chung, hầu như 2 mảng lập trình Front-end, Back-end đều quan trọng và cần thiết như nhau. Công việc kỹ sư và gia công phần mềm đang đáp ứng rất tốt nhu cầu thị trường IT của cả nước. Bên cạnh đó, trong tương lai gần, các ngành trí tuệ nhân tạo (AI), lập trình Internet vạn vật (IOT), kỹ sư phần tích dữ liệu (Data analystics)… sẽ là những ngành cực kì “hot” và cần một lượng lớn nhân lực trong tương lai. Em thật sự cảm ơn Nhà trường, cảm ơn Khoa CNTT và các diễn giả đã tạo cho chúng em một buổi “học” thật sự hữu ích.

Sinh viên Ma Seo Sen (quê Đak Lak): Sự kiện giúp em tự tin hơn trong phỏng vấn

Sinh viên Ma Seo Sen ngồi ghế “phỏng vấn” tại sự kiện. Ảnh: TSTT.

Chúng em thật may mắn được tham dự một buổi chia sẻ học thuật mà hai chuyên gia đã giúp chúng em nắm kiến thức IT vững hơn và tự tin hơn cho hành trang xin việc. Em thích nhất môn Cơ sở dữ liệu, Cấu trúc dữ liệu và OOP. Môn cấu trúc dữ liệu cũng quan trọng và không thể thiếu trong lập trình, nó giúp tối ưu hóa Code. Em hơi ngại toán học, nhưng qua đây, em cũng học được rất nhiều phương cách từ các thầy chuyên gia. Em cũng cảm ơn các thầy Đại học TBD và chuyên gia đã xúc tiến buổi phỏng vấn, tuyển dụng bước đầu, cho em cơ hội quý báu.

Phạm Lê Ngọc Sơn (học sinh lớp 12C3, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Nha Trang, Khánh Hoà): Trải nghiệm khó quên

Phạm Lê Ngọc Sơn- một học sinh lớp 12 được tham gia phỏng vấn. Ảnh: Bá Nha.

Cảm ơn Đại học Thái Bình Dương rất nhiều vì đã tạo điều kiện và cơ hội  cho em tiếp xúc với ngành IT (information technology). Qua đây giúp em hiểu rõ hơn về ngành và có thể chắc hơn trong lựa chọn ngành nghề sau này. Bản thân em cảm thấy rất vui và hứng khởi vì đã được tiếp xúc với những kiến thức mới lạ như Java, C++, Visual basic…

Tại sự kiện, em được tiếp xúc môi trường công nghệ và điều kiện vật chất hiện đại; được các anh chị và thầy cô ở Đại học Thái Bình Dương giúp đỡ tận tình; được gặp các chuyên gia trong lĩnh vực IT tư vấn, cho lời khuyên và hướng dẫn. Đồng thời các chuyên gia về lĩnh vực IT đã mở một cuộc phỏng vấn mở để giúp cho em có cái nhìn khái quát và biết thế nào khi đi phỏng vấn. Bản thân em rất hãnh diện là một trong các thí sinh được phỏng vấn. Cảm giác lúc đó của em thật mới lạ, chưa trải qua bao giờ. Em vừa cảm thấy vui, vừa hồi hộp. Lần phỏng vấn này đã giúp em áp dụng những kiến thức không chỉ trong sách vở mà còn trong thực tế đời sống. Đây sẽ là một trong những trải nghiệm trong đời mà em sẽ không quên được.

Bá Nha