Sáng ngày 19/8, Trường Đại học Thái Bình Dương đã long trọng tổ chức lễ khai mạc Hội thảo quốc tế Global South Studies 2024 với chủ đề “Trung tâm hóa tri thức ngoài phương Tây trong bối cảnh toàn cầu: Những điều chưa biết và đã biết”.
Sự kiện quy tụ đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, cùng nhau thảo luận về các vấn đề cấp bách của khu vực Nam bán cầu (Global South) và vai trò của tri thức ngoài phương Tây trong bức tranh toàn cầu. Hội thảo diễn ra từ ngày 19 đến 22/8/2024, hứa hẹn mang đến nhiều trao đổi học thuật sâu sắc và ý nghĩa.
GS.TS. Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình Dương, đã nhấn mạnh vai trò cầu nối của Trường trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Ông cũng khẳng định cam kết của trường trong việc xây dựng một môi trường học thuật quốc tế hóa, tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tiếp cận với những kiến thức và kinh nghiệm mới nhất từ khắp nơi trên thế giới.
TS. Lê Thị Mỹ Bình, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa, đánh giá cao nỗ lực của Trường ĐH Thái Bình Dương trong việc tổ chức hội thảo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu và tìm hiểu về các khu vực và tri thức ngoài phương Tây trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
TS. Lê Nguyễn Hoàng Giang, đại diện đơn vị đồng tổ chức, Mạng lưới nghiên cứu Nhân văn & Khoa học Xã hội Việt Nam – VHSSA, nhấn mạnh: “Thông qua hội thảo này, chúng tôi tập hợp những công trình có ảnh hưởng và những tiếng nói quan trọng nhằm khẳng định tiếng nói và vị thế của Nam Bán cầu trong học thuật.”
Hội thảo quốc tế Global South Studies năm 2024 không chỉ là một sự kiện học thuật quan trọng mà còn là minh chứng cho cam kết của Trường ĐH Thái Bình Dương trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu và hội nhập quốc tế.
Ngày đầu tiên của hội thảo đã diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật:
- Bài keynote speech mở màn đầy cảm hứng của GS.TS. Fiona Blaikie (Đại học Brock, Canada) chủ đề: “Private and public feelings, energy/ies and intensity/ies: Local-global a/symmetries of power in relation to pedagogy, the arts, and scholarship”.
- Các phiên trình bày, thảo luận chuyên sâu về giáo dục mầm non, chuyên nghiệp hóa trong giáo dục, nghiên cứu hòa bình và xung đột, và nhân quyền.
- Bài keynote speech của GS.TS. Edward R. Howe từ Đại học Thompson Rivers, Canada, chủ đề “Internationalization of Canadian Higher Education: Reality or Rhetoric?”
- Hội thảo chuyên đề “Xuất bản trên ấn phẩm đặc biệt của Tạp chí Giáo dục Châu Âu” cung cấp những hướng dẫn quý báu cho các nhà nghiên cứu.
Với những khởi đầu đầy ấn tượng, hội thảo hứa hẹn sẽ mang đến nhiều trao đổi học thuật thú vị và bổ ích trong những ngày tiếp theo.
Bài: Đô Đàm