“Nên học chuyên ngành nào của Công nghệ thông tin” là một trong những câu hỏi chúng tôi thường xuyên nhận được từ các bạn học sinh THPT. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ mọi chuyên ngành của ngành Công nghệ thông tin để đưa ra được quyết định chọn ngành chính xác.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ của kỷ nguyên kỹ thuật số gắn liền với những đột phá về công nghệ, trong đó công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò là công nghệ cốt lõi. CNTT không chỉ là một ngành kinh tế mà còn là động lực quan trọng để giúp các ngành khác phát triển. Trong tương lai, cách sống, làm việc, sản xuất của con người sẽ được thay đổi mạnh mẽ. Công nghệ mới sẽ sắp xếp lại thị trường lao động, nhiều việc làm truyền thống sẽ mất đi, nhiều công việc mới, cơ hội mới sẽ xuất hiện thay thế.
Với tiềm năng to lớn như vậy, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu dấn thân tìm hiểu và lựa chọn nghề nghiệp của mình trong lĩnh vực Công nghệ thông tin này. Tuy nhiên, lĩnh vực CNTT rất rộng và có nhiều nhóm ngành nhỏ bên trong. Vậy, ngành công nghệ thông tin có những chuyên ngành nào? Và bạn trẻ nên học chuyên ngành nào của Công nghệ thông tin? Hãy cùng khám phá câu trả lời qua bài viết này nhé.
Ngành công nghệ thông tin có những chuyên ngành nào?
Chuyên ngành Khoa học máy tính
Khoa học Máy tính là một chuyên ngành học giúp người học có khả năng làm chủ tất cả khía cạnh của máy tính bao gồm thiết kế, chế tạo, vận hành và sửa chữa các yếu tố như phần cứng, phần mềm, hệ thống hay mạng lưới. Các hoạt động này nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người sử dụng sản phẩm công nghệ. Có thể nói, Khoa học máy tính là ngành học dành riêng cho những ai thật sự yêu máy tính và muốn tìm hiểu ngọn ngành về máy tính một cách sâu sắc nhất. Vì vậy, ngành học này cũng được xem là ngành khoa học nền tảng và có đóng góp cho hầu hết mọi mặt trong cuộc sống hàng ngày.
Trong năm học đầu tiên, bạn sẽ được học những môn đại cương về lịch sử máy tính, ứng dụng của ngành trong xã hội và lý thuyết cơ bản về mạng lưới hay hệ thống. Những năm tiếp theo bạn sẽ được trang bị kỹ năng như lập trình, cấu trúc hệ thống và phân tích thuật toán để có thể tạo ra được sản phẩm phần mềm. Ngoài ra bạn còn được học thêm về xây dựng trang web, hệ thống dữ liệu và hệ điều hành.
Chuyên ngành Công nghệ phần mềm
Hiện nay Việt Nam đang hướng đến trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu công nghệ thông tin ra thế giới. Với nguồn nhân lực chất lượng cao, nếu được đào tạo các kiến thức, kỹ năng chuyên môn bài bản sẽ giúp Việt Nam tranh thủ được cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra.
Công nghệ phần mềm là chuyên ngành nghiên cứu về hệ thống kỹ thuật, phần mềm máy tính. Cụ thể, ngành học này tập trung nghiên cứu về các hạ tầng phần mềm, cơ sở dữ liệu cũng như sự phát triển của các ứng dụng và hệ thống. Ngành tập trung vào việc xây dựng các ứng dụng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và chất lượng đời sống con người.
Chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo ứng dụng
Trí tuệ nhân tạo (AI) là ngành tạo ra máy móc và hệ thống thông minh thông qua việc sử dụng mô hình máy tính, kỹ thuật và công nghệ liên quan, giúp thực hiện các công việc yêu cầu trí thông minh của con người. Nhìn chung, đây là một ngành học rất rộng, bao gồm các yếu tố tâm lý học, khoa học máy tính và kỹ thuật. Một số ví dụ phổ biến về AI có thể kể đến ô tô tự lái, phần mềm dịch thuật tự động, trợ lý ảo trên điện thoại hay đối thủ ảo khi chơi trò chơi trên điện thoại.
Nền tảng kiến thức về công nghệ máy tính và toán học là xương sống của hầu hết các chương trình trí tuệ nhân tạo. Sinh viên có thể lựa chọn các chương trình cấp bằng ngành trí tuệ nhân tạo hoặc theo đuổi chuyên ngành AI từ các ngành học như khoa học máy tính, thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin hoặc kỹ thuật.
Lưu ý rằng nội dung của ngành học trí tuệ nhân tạo sẽ khác nhau giữa các trường đại học. Hầu hết các khóa học trí tuệ nhân tạo bao gồm các môn học bắt buộc và tự chọn, giúp bạn điều chỉnh chương trình học sao cho phù hợp với sở thích và kế hoạch nghề nghiệp của mình. Do đó, bạn nên xem xét kỹ về danh mục các môn học và chương trình giảng dạy trước khi đăng ký.
Chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý
Ngành Hệ thống thông tin quản lý (Management Information Systems) kết hợp kinh tế và công nghệ thông tin. Cụ thể hơn, lĩnh vực này tập trung vào thu thập và phân tích dữ liệu, làm cầu nối giữa các bên liên quan trong kinh doanh và hệ thống thông tin.
Trong sự phát triển và hiện đại hóa của nền kinh tế, việc quản lý hệ thống thông tin rất quan trọng đối với bất cứ tổ chức, công ty, doanh nghiệp nào. Mục đích chính là phân tích nhu cầu khách hàng hay điểm mạnh – yếu nhằm đề xuất những biện pháp cải thiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh hơn.
Chuyên ngành Mạng máy tính & An toàn thông tin (An ninh mạng)
An ninh mạng (Cybersecurity) có thể được hiểu là ngành chuyên bảo vệ các mạng thông tin và máy tính khỏi nguy cơ bị xâm nhập và trộm cắp các thông tin bảo mật. Nhiệm vụ của ngành này là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và ứng phó các cuộc tấn công. Để có thể bảo vệ được các hệ điều hành, các chuyên gia an ninh mạng cần phải tạo ra các rào cản chắc chắn để có thể chống lại không chỉ những tấn công từ bên ngoài mà còn từ bên trong.
Trọng tâm của chuyên ngành học là những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các vị trí trong lĩnh vực An ninh mạng. Trong chương trình học, sinh viên sẽ cung cấp nền tảng kiến thức về Công nghệ thông tin như: Mạng quản trị, Phân tích dữ liệu, Mạng lưới thông tin.
Ngoài ra, sinh viên cũng sẽ được đào tạo về các kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Có thể kể đến: Phòng thủ không gian mạng, Rủi ro không gian mạng, Điện toán đám mây, An toàn truy nhập dữ liệu từ xa, An toàn công nghệ thông tin, An toàn hệ thống mạng.
Nên học chuyên ngành nào của Công nghệ thông tin
Mỗi chuyên ngành mà ngành CNTT có đều có những kiến thức chuyên môn khác nhau. Từ đó việc khi ra trường bạn sẽ làm những công việc khác nhau theo chuyên ngành trong lĩnh vực CNTT. Vậy nên để trả lời được câu hỏi “Nên học chuyên ngành nào của Công nghệ thông tin?”, bạn sẽ cần phải hiểu được chính bản thân mình trước tiên. Thử trả lời những câu hỏi theo các bước dưới đây, có thể sẽ giúp bạn tìm được chuyên ngành phù hợp nhất đấy.
Bước 1: Ước mơ của bạn trong lĩnh vực CNTT này là gì? (Tôi muốn chế tạo ra người máy/ Tôi xây dựng một ứng dụng công nghệ để khởi nghiệp/…)
Bước 2: Ước mơ này của bạn liên quan đến chuyên ngành nào nhiều nhất?
Bước 3: Hãy kết nối với những giảng viên đang giảng dạy ngành CNTT để chia sẻ về ước mơ và dự định của bạn để nhận được những hướng dẫn có chuyên môn hơn nhé. Chẳng hạn như đặt câu hỏi và tương tác trực tiếp với Fanpage của Ngành Công nghệ thông tin để kết nối với các giảng viên chuyên gia trong lĩnh vực CNTT.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham khảo thử chương trình đào tạo ngành CNTT tại trường Đại học Thái Bình Dương để hình dung được những chuyên ngành nào, kiến thức nào mà bạn sẽ học khi lựa chọn lĩnh vực của tương lai này.
ĐỌC THÊM: