Nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Hội thảo quốc tế: “Từ lịch sử của cái Khác: Nữ giới và các tác giả nữ trong văn học và điện ảnh Việt Nam” (Khác 2023) được diễn ra với những cách tiếp cận, góc nhìn mới về nữ giới và bình đẳng giới.

Các diễn giả chụp hình lưu niệm tại Trường Đại học Thái Bình Dương.

Hội thảo với sự tham dự của các diễn giả: TS. Phạm Quốc Lộc (Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình Dương), PGS.TS Lan Dương (Đại học Southern California, Hoa Kỳ), PGS.TS Natacha Cyru Lnik (Đại học Aix-Marseille, Pháp), GS. Jack A. Yeager (Đại học Louisiana State, Hoa Kỳ), PGS.TS Martina Nguyen (Đại học Thành phố New York, Hoa Kỳ),… cùng nhiều diễn giả nổi tiếng khác.

Khác 2023 gồm có 8 tiều ban, trong đó: tập trung vào các nhóm vấn đề:

  • Tiểu ban 1: Các tác giả Nguyễn Thuỳ Trang, Nguyễn Thị Bích, Đào Thị Diễm Trang, Lê Thị Tuân, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Vi Thuỷ tập trung bàn luận về vấn đề kiến tạo và giải kiến tạo khuôn mẫu giới trong văn học và điện ảnh;
  • Tiểu ban 2: Các tác giả Hoàng Phong Tuấn-Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Giáng Hương, Phùng Ngọc Kiên, Trần Văn Toàn, Hoàng Tố Mai-Trần Thị Khánh Vi và Elizabeth Nguyen lại tập trung vào chủ đề “Di cư, giới và căn tính: từ liên tầng đến liên văn hoá”;
  • Trong Tiểu ban 3: Các tác giả Mai Thị Thu Huyền, Đặng Thị Thái Hà, Vũ Kiều Chinh-Nguyễn Thị Hoài Phương, Bùi Duy Thanh Mai, Nguyễn Thị Kim Nhạn hướng sự thảo luận về “Trải nghiệm nữ giới và chính trị của cảm xúc”;
  • Tiểu ban 4: Với các tác giả Damjan Rakonjac, Nguyễn Phương Khánh, Đỗ Hải Ninh, Đặng Thu Hà, Nguyễn Văn Thuấn-Nguyễn Anh Dân lại tập trung quan tâm đến chủ đề “Các tác giả nữ và tiềm năng viết lại lịch sử văn chương – điện ảnh”;
  • Trong Tiểu ban 5: Các tác giả Trần Ngọc Hiếu, Hoàng Dạ Vũ, Trần Thị Thục, Hoàng Cẩm Giang, Trịnh Đặng Nguyên Hương chú ý đến chủ đề: “Nghệ thuật làm mẹ: giới và quyền lực trong văn học và điện ảnh”;
  • Tiểu ban 6: Với các tác giả Trần Khánh Thành, Lê Hương Thuỷ, Trần Thị Vân, Nguyễn Thanh Tùng-Trịnh Thuỳ Dương, Phạm Văn Ánh quan tâm thảo luận về vấn đề “Rắc rối giới và rắc rối thể loại”;
  • Tiểu ban 7: Các tác giả Lê Nguyên Long, Thái Phan Vàng Anh, Lê Thị Dục Tú, Quách Thị Thu Hiền hướng tới câu chuyện quan trọng về: “Phụ nữ giữa truyền thống và hiện đại: chính trị của giới tính”;
  • Tiểu ban 8: Với các tác giả Phạm Văn Hưng, Đỗ Thị Thu Huyền – Nguyễn Thị Tố Ninh, Hồ Khánh Vân, Nguyễn Thị Trâm – Bùi Trà My cùng chia sẻ quan niệm về “Nam tính, nữ tính và những kiến tạo về người nữ/tác giả nữ”.

Trong thời gian khoảng 5 năm gần đây, trong khi nhiều lý thuyết phê bình phương Tây mới tiếp tục tràn vào Việt Nam, thì nghiên cứu giới (gender studies) và lý thuyết nữ quyền (feminism) – những tiếp cận tưởng chừng đã quen thuộc trong và ngoài nước – vẫn ngày càng tỏa rộng, lan sâu vào đời sống văn hóa, nghệ thuật. Nhiều công trình kinh điển và cập nhật của gender studies và feminism được dịch, được giới thiệu, được ứng dụng trong nhiều trường đại học, nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong cả nước. Chính những công trình này và dư ba kéo dài sau đó đã tạo ra sự liên kết, cộng hưởng của các nghiên cứu KHXH & NV tại Việt Nam với các phong trào đấu tranh cho bình đẳng giới, công bằng xã hội… đang ngày một lan tỏa mạnh mẽ khắp toàn cầu, như: #TimesUp, #Metoo, #Not One Less, #HeForShe, #BringBackOurGirls, #EverydaySexism, #WomenShould, #YesAllWomen, #WhyIStayed,…

Nếu nghiên cứu giới và diễn trình tái trình hiện giới trong sáng tác, nghiên cứu, phê bình nghệ thuật có vai trò quan trọng trong các thực hành và thực tiễn đời sống văn hóa đến thế, thì hướng tiếp cận lịch sử văn học, lịch sử điện ảnh như những văn bản hàm chứa các ngụ ý về giới lại chưa được quan tâm một cách sâu rộng và toàn diện tại Việt Nam. Chính vì vậy, Hội thảo khoa học “Từ lịch sử của cái Khác: nữ giới và các tác giả nữ trong văn học và điện ảnh Việt Nam” lần này muốn hướng tới những mục tiêu cụ thể về nghiên cứu giới từ góc độ lịch sử phê bình văn học – điện ảnh tại Việt Nam.

Trước hết, hội thảo nỗ lực xây dựng một diện mạo, một tiến trình văn học và điện ảnh mới của phụ nữ và về phụ nữ bằng cách viết lại từng phần hay toàn bộ lịch sử nghệ thuật – mà trong đó các tác giả nữ chưa được đánh giá đúng/toàn diện – nay có được cơ hội hiện diện, có được vị trí mới nổi bật và ý nghĩa.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng tập trung giới thiệu, tổng kết những thành tựu lý thuyết nữ quyền, nghiên cứu giới và tổng kết những bài học kinh nghiệm về các tiếp cận này trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Thông qua việc kích hoạt, khám phá “những cách thấy” và cái nhìn của nữ giới, hội thảo cũng nhấn mạnh vào khía cạnh nghiên cứu liên ngành và liên tầng – tránh việc tách biệt đơn ngành, đơn tầng trong quá trình nghiên cứu giới, gắn kết các vấn đề bất công giới với bất công xã hội, bất công môi trường, phân biệt chủng tộc,…

Đặc biệt, các tác giả hội thảo sẽ nỗ lực bàn luận và tìm kiếm giải pháp phá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, bạo lực giới trong và thông qua lĩnh vực văn học và điện ảnh, trong văn hóa đại chúng và nghệ thuật đại chúng.

Hy vọng, Khác 2023 sẽ là một sự kiện giàu ý nghĩa trên hành trình nghiên cứu và ứng dụng các lý thuyết nghiên cứu phê phán trong khoa học xã hội và nhân văn nhằm tái trình hiện, tái diễn giải và tái kiến tạo lịch sử nghệ thuật; khơi mở, gợi ý những câu trả lời mới cho các vấn đề nan giải (không mới) của xã hội, văn hóa đương đại.

Hội thảo cũng mong muốn mở ra một không gian cho các nhà văn, các nhà làm phim, các nhà phê bình văn học, các nhà phê bình điện ảnh, các nhà hoạt động xã hội, người xem, sinh viên chuyên ngành văn học – điện ảnh, các nhà xuất bản, các học giả… có thể gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những góc nhìn nhiều chiều, cởi mở và đa dạng về vấn đề giới nói chung và nữ giới/nữ quyền nói riêng; dựa trên những hiểu biết có tính liên ngành, liên phương tiện và toàn diện. Đồng thời, đây cũng là những bước khai mở cho một tiến trình lâu dài của việc xây dựng “hệ tri thức giới”, “văn hóa biểu hành giới”, “đối thoại giới”, “bình đẳng giới” của Việt Nam với thế giới trong bối cảnh xuyên văn hóa và toàn cầu hóa.

Theo đó, Khác 2023 diễn ra từ ngày 20 – 21/10, tại Trường Đại học Thái Bình Dương (Nha Trang, Khánh Hòa). Chương trình được phối hợp tổ chức bởi: Trường Đại học Thái Bình DươngTrường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội)Viện Nghiên cứu Sân khấu và Điện ảnh (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội)Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm HuếTrường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP. HCM), Ơ Kìa Hà Nội.

Bài: Nguyễn Hồng