Khoa Luật, trường ĐH Thái Bình Dương (TBD) đã tổ chức sự kiện TBD Open Law với số đầu tiên phát sóng mang tên “Quyền của người khuyết tật – Quyền của tất cả chúng ta”.
Đồng hành cùng số TBD Open Law lần này là các khách mời đặc biệt: anh Đỗ Hoàng Thái Anh – Sáng lập và điều hành Trung tâm Đào tạo Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội, chị Phạm Bích Giang trong vai trò phiên dịch.
Trong cách gọi ”người khuyết tật”, chúng ta đã vô tình tách biệt họ khỏi cộng đồng, đặt lên một định kiến rằng họ khiếm khuyết với số còn lại “bình thường”. Đôi khi ta sử dụng từ ngữ theo thói quen mà không biết rằng cách chúng ta dùng từ sẽ hình thành cách chúng ta suy nghĩ,… Chính vì những lẽ đó, Khoa Luật đã tổ chức sự kiện TBD Open Law, để mang đến cho bạn những nhận định đúng đắn về khái niệm người khuyết tật và Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật.
“Gần đây em có xem một bộ phim Hàn Quốc, nhân vật chính trong phim là cô gái bị khiếm thính bẩm sinh. Em nhìn thấy sự khó khăn của cô ấy trong tất cả hoạt động đời thường, thấy được mọi người xung quanh đang loay hoay giao tiếp với cô gái ấy. Rất khó để hai bên thấu hiểu, hòa nhập nhanh chóng cùng nhau. Do vậy, khi biết Trường ĐH Thái Bình Dương tổ chức sự kiện này em đã đăng ký tham gia với mong muốn được hiểu nhiều về người khuyết tật, để đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ và biết cách nói chuyện với họ một cách gần gũi nhất”, bạn Nguyễn Phương Thảo – học sinh lớp 12C10, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Nha Trang) chia sẻ.
Cùng chung góc nhìn, bạn Phạm Thị Bạch (sinh viên năm 3 ngành Luật) tham gia sự kiện với mong muốn biết cách chào hỏi, hỏi tên bằng ngôn ngữ ký học, hoặc cao hơn là có thể dễ dàng nói chuyện với người khiếm thính. Bởi gia đình em có 4 người bị khuyết tật, họ là những người khá nhạy cảm và cần được động viên, chia sẻ. Sau sự kiện, em cũng đã biết cách nói chuyện với người bị khiếm thính, thấu hiểu hơn những khó khăn, thiệt thòi mà họ đang chịu đựng hàng ngày.
Số phát sóng đầu tiên của TBD Open Law đã giúp sinh viên TBD nói riêng và nhiều bạn trẻ nói chung hiểu những khó khăn mà người khuyết tật đang gặp phải, để từ đó hình thành những ý thức, lối sống, hành động đồng cảm, nhân văn với họ nhiều hơn.