Sáng 26/5, Trường ĐH Thái Bình Dương chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn mới.
Tham dự buổi lễ Công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục về phía Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Vinh, gồm: TS. Trần Đình Quang – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục; PGS.TS Lê Văn Hảo – Chuyên gia kiểm định, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục.
Về phía Trường ĐH Thái Bình Dương, gồm: TS. Nguyễn Thanh Toại – Hiệu trưởng nhà trường; TS. Phạm Quốc Lộc – Phó Hiệu trưởng; Ông Trần Phú Mỹ – thành viên Hội đồng trường; Ths. Lê Trung Tín – Trưởng Phòng Đảm bảo chất lượng cùng các giảng viên, nhân viên nhà trường.
Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham dự của các Sở ban ngành tỉnh Khánh Hòa, gồm: Ông Lê Đình Thuần – Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo; Ông Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao; Ông Nguyễn Tấn Trung – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Ông Cung Quỳnh Anh – Phó Giám đốc Sở Du lịch; Bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp – Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ; Bà Lưu Thị Hồng Vân – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy; Ông Nguyễn Cao Vũ – Giám đốc vùng Nam Trung bộ Ngân hàng ACB.
Theo đó, Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài – Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Vinh đã triển khai khảo sát chính thức tại Trường ĐH Thái Bình Dương từ ngày 07/01/2022 đến ngày 12/01/2022 theo đúng quy trình, đảm bảo tính khách quan, trung thực dựa trên các minh chứng.
Công cụ mà Đoàn đánh giá ngoài sử dụng là Bộ tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục gồm 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí, mức đánh giá mỗi tiêu chí theo thang đánh giá 7 mức, gồm 4 lĩnh vực: Đảm bảo chất lượng về chiến lược; Đảm bảo chất lượng về hệ thống; Đảm bảo chất lượng về thực hiện chức năng; Kết quả hoạt động.
Theo kết quả đánh giá, nhà trường đều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần đạt được của 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chuẩn vượt yêu cầu. Điều này một lần nữa khẳng định Thái Bình Dương là một cơ sở giáo dục uy tín, chất lượng về cơ sở vật chất, giảng viên chuẩn mực, chương trình đào tạo tiên tiến và phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người học phát huy năng lực của bản thân, đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao của doanh nghiệp. Qua đó, các sinh viên theo học tại trường sẽ thuận lợi khi tham gia làm việc, hội nhập với thị trường lao động quốc tế.
Được biết, trước mắt nhà trường cần tập trung tổng kết, đánh giá chiến lược phát triển giai đoạn trước và xây dựng Chiến lược phát triển các năm tiếp theo, trong đó cần xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và tập trung vào các giải pháp như: Nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, giảng viên; Đổi mới phương pháp dạy và học; kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học; đổi mới và tăng cường công tác quản lý…
Kết quả của việc đạt kiểm định chất lượng giáo dục lần này là cơ hội và tiền đề để thời gian tới, nhà trường tiến hành kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cho 03 ngành, gồm: Quản trị Kinh doanh; Du lịch; Luật. Định hướng tiếp theo các năm 2023-2025, Trường ĐH Thái Bình Dương có 2 ngành đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn quốc tế: FIBAA hay ACBSP.
Theo TS. Phạm Quốc Lộc – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình Dương, để có được thành tích về đảm bảo chất lượng hiện tại là kết quả cộng hưởng từ tầm nhìn, sự đầu tư, cam kết, kiên trì thực hiện của lãnh đạo nhà trường cùng sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể giảng viên, nhân viên nhà trường. Trong tương lai, nhà trường sẽ tiếp tục tập trung cải tiến chất lượng để mang đến cho sinh viên một môi trường học tập đầy đủ, có năng lực chuyên môn, học tập suốt đời; đội ngũ giảng viên nâng cao năng lực áp dụng chuyển đổi số trong giảng dạy.
Kiểm định chất lượng giáo dục không chỉ là minh chứng cho công tác đào tạo của một trường đại học mà còn là giải pháp giúp nhà trường xem xét, đánh giá toàn bộ hoạt động một cách có hệ thống, định hướng và xác định chuẩn mực chất lượng trong các hoạt động từ giảng – dạy đến nghiên cứu khoa học.
“Kết quả đạt được hôm nay, là minh chứng cho sự phát triển đúng hướng của nhà trường bởi nâng cao chất lượng đào tạo đang là đích đến của rất nhiều cơ sở giáo dục đại học. Con người, hạ tầng cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo và năng lực hội nhập quốc tế là những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo”, TS. Phạm Quốc Lộc nhấn mạnh.
Bài: Nguyễn Hồng – Ảnh: Đàm Đô