Hội thảo diễn ra từ ngày 26-27/10, tại Trường Đại học Thái Bình Dương, với sự tham dự của các diễn giả chính: TS. Phạm Quốc Lộc, Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Minh Anh, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế kiêm Giám đốc Trung tâm Giáo dục Tổng quát và Đổi mới Sáng tạo; TS. Mary Beth Marklein, George Mason University, Hoa Kỳ.

Các diễn giả tham dự Hội thảo Giáo dục khai phóng tại Trường Đại học Thái Bình Dương.

Hội thảo quốc tế “Giáo dục Khai phóng: Những góc nhìn và ứng dụng liên ngành” (Liberal Education: Interdisciplinary Perspectives and Applications) tập hợp các nhà nghiên cứu, giảng viên, học giả và người làm thực hành từ khắp nơi trên thế giới để khám phá và trao đổi ý tưởng về các khía cạnh đa dạng của giáo dục khai phóng, đặc biệt tập trung vào góc nhìn liên ngành và ứng dụng thực tế với các chủ đề như: 

  • Nền tảng triết học của giáo dục và giáo dục khai phóng; 
  • Các phương pháp tiếp cận liên ngành và đa ngành về giáo dục và giáo dục khai phóng;
  • Các đổi mới về giảng dạy và các phương pháp tối ưu trong giáo dục;
  • Các khía cạnh xã hội và văn hóa, đạo đức và giá trị của giáo dục và giáo dục khai phóng;
  • Vai trò và tác động của công nghệ đến giáo dục và giáo dục khai phóng;
  • Các phương pháp đánh giá trong giáo dục và giáo dục khai phóng;
  • Góc nhìn quốc tế và so sánh về giáo dục và giáo dục khai phóng;
  • Các chủ đề khác về giáo dục và quản lý giáo dục.

Hội thảo với sự tham dự của các diễn giả chính: TS. Phạm Quốc Lộc, Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Minh Anh, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế kiêm Giám đốc Trung tâm Giáo dục Tổng quát và Đổi mới Sáng tạo; TS. Mary Beth Marklein, George Mason University, Hoa Kỳ.

Đặc biệt, Hội thảo quốc tế “Giáo dục khai phóng: Những góc nhìn và ứng dụng liên ngành” nhận được sự đóng góp của các giảng viên TBD như: TS. Nguyễn Minh Anh, TS. Lê Anh Vân, TS. Ngô Hướng, Ths. Trần Thị Phi Ánh, Ths. Đinh Thị Nga, Ths. Nguyễn Thị Hồng Phương, TS. Trần Trí Dũng, Ths. Nguyễn Lê Kim Khánh.

TS. Mary Beth Marklein trình bày chủ đề tại hội thảo.

Được biết, trong khuôn khổ hội thảo còn có workshops bồi dưỡng dành cho giảng viên, nhân viên theo 02 chuyên đề về giáo dục khai phóng:

  • Đánh giá trong Giáo dục Khai phóng – TS. Mary Beth Marklein: Khám phá các phương pháp đánh giá hiệu quả nhất trong Giáo dục Khai phóng; Tìm hiểu kỹ năng thực tế để thực hiện các phương pháp đánh giá hiệu quả
  • Phương pháp tổ chức lớp học hiệu quả theo tinh thần Khai phóng – TS. Nguyễn Minh Anh: Tìm hiểu các phương pháp tổ chức môn học dựa trên triết lý Giáo dục Khai phóng; Cách trao quyền và khuyến khích tính làm chủ của sinh viên.
Kết thúc hội thảo, các diễn giả nhận được chứng chỉ từ ban tổ chức.

Theo định nghĩa của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ (AAC&U), giáo dục khai phóng là một cách tiếp cận học tập tạo năng lực và chuẩn bị cho từng sinh viên khả năng ứng phó với sự phức tạp, đa dạng và thay đổi, cung cấp cho người học một nền kiến thức bao quát về thế giới rộng lớn (khoa học, văn hóa và xã hội), đồng thời đi sâu nghiên cứu một lĩnh vực quan tâm xác định. Giáo dục khai phóng giúp người học phát triển ý thức về trách nhiệm xã hội cũng như tri thức khả dụng mạnh mẽ và các kỹ năng thực tiễn như: giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề, cũng như thể hiện một năng lực áp dụng kiến thức và kỹ năng vào đời sống thực tế.

Hiện nay, Trường Đại học Thái Bình Dương là một trong những trường đại học tiên phong áp dụng mô hình giáo dục khai phóng từ nhiều năm nay. Một trong những thế mạnh trong giáo trình của nhà trường là hỗ trợ sinh viên xây dựng tinh thần phát triển bản thân và khai mở giới hạn. Toàn bộ quá trình giảng dạy và học tập tập trung vào việc xây dựng nền tảng tri thức vững chắc, bồi đắp kỹ năng song song với nhận thức cá nhân và xã hội. Qua những chuyến thực địa, các hoạt động cộng đồng, những sự kiện đặc biệt như hội thảo và trao đổi sinh viên với các trường đại học trên thế giới, sinh viên Thái Bình Dương có cơ hội trải nghiệm thành quả của hệ giá trị giáo dục tiên tiến toàn cầu, hoàn thiện về phẩm chất và phát triển những năng lực thiết yếu cho cuộc sống và công việc.

Điều này cho thấy mô hình giáo dục khai phóng đã mang đến các bạn trẻ đến một khởi đầu đầy thuận lợi trên bước đường sự nghiệp. Họ bước vào đời với một nền tảng vững chắc, thậm chí có cả những ưu thế vượt trội so với nhiều tân cử nhân cùng trang lứa.

Bài: Nguyễn Hồng