Trong thời kỳ kỹ thuật số hiện nay, lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) đang trở thành tâm điểm. Vậy, sinh viên học ngành Công nghệ thông tin làm nghề gì? Hãy cùng trường Đại học Thái Bình Dương nhìn tổng quan cơ hội nghề nghiệp trong ngành này nhé.
Mối quan tâm hàng đầu của mọi sinh viên khi lựa chọn bất kỳ ngành học nào chính là “học ngành này ra thì sẽ làm công việc gì?”. Tiềm năng và cơ hội việc làm của ngành Công nghệ thông tin đang lớn dần theo sự phát triển của công nghệ. Vậy bạn đã biết công nghệ thông tin là nghề gì chưa? Dựa theo thông tin từ Bộ Thông tin & Truyền thông, dưới đây là những nghề nghiệp mà bạn có thể làm khi theo đuổi lĩnh vực CNTT này đấy.
Sinh viên học Công nghệ thông tin làm nghề gì?
Nhóm nghề lĩnh vực phát triển phần mềm
Lập trình viên – Kỹ sư phát triển phần mềm (Software Programmer)
Khi được hỏi “học công nghệ thông tin làm nghề gì?” thì chắc hẳn “làm lập trình viên” là câu trả lời đầu tiên bạn hình dung phải không?
Lập trình viên là người thiết kế, xây dựng và bảo trì các chương trình (phần mềm). Bằng cách thao tác các đoạn mã (các ngôn ngữ lập trình) trên các công cụ lập trình, họ có thể tạo ra các chương trình mới, sửa lỗi hay nâng cấp chương trình đó để tăng tính hiệu quả của việc sử dụng máy tính, thiết bị di động,…
Các lập trình viên có thể làm việc trên nhiều ngôn ngữ lập trình, trong đó phổ biến là Java, C++, C#, PHP, ASP.Net,… Để làm ra một phần mềm, trước hết người ta phải tạo ra một “bản thiết kế” (framework), mỗi lập trình viên đảm nhiệm một phần việc, sau đó các phần việc này được kết nối lại tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Lập trình viên được ví là những Thợ coding.
Kỹ sư thiết kế phần mềm (Software Designer)
Kỹ sư thiết kế phần mềm là người thiết kế ra các phần mềm ứng dụng cho máy tính, thiết bị di động, thiết bị điều khiển (Console), các trang web và thiết bị công nghệ khác. Ứng dụng (application) là các phần mềm có đủ mọi công dụng mà các bạn vẫn quen gọi đó là các “apps”.
Kiến trúc sư phần mềm (Software Architect) – “Thợ xây” công nghệ
Kiến trúc sư phần mềm (gọi tắt là SA) là chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm, có nhiệm vụ thiết kế, thẩm định và tạo ra những thiết kế kiến trúc tổng quát, cấp cao cho phần mềm hoặc hệ thống dựa trên những tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu đề ra của khách hàng. Những tiêu chuẩn đó bao gồm tiêu chuẩn về lập trình phần mềm, các công cụ và cả nền tảng cho phần mềm đó vận hành.
Tương tự như một kiến trúc sư xây dựng, phải hiểu về các phương pháp thi công, chất liệu thích hợp, sở thích của khách hàng và cách tận dụng triệt để diện tích nhà. Các kiến trúc sư phần mềm là những người có tầm nhìn và hiểu biết rất sâu sắc về hướng phát triển phần mềm của họ, từ cách hình thành hệ thống vận hành phần mềm, đến ngôn ngữ lập trình, các tiêu chuẩn viết code đến giao diện đáp ứng đúng yêu cầu sử dụng của khách hàng và làm sao các hệ thống thành phần giao tiếp hài hòa với nhau, làm sao để tạo ra một hệ thống đáng tin cậy và đạt được hiệu suất theo yêu cầu.
Kỹ sư kiểm thử phần mềm (Software Tester) – “Thợ làm vườn” tỉ mẩn
Kỹ sư kiểm thử phần mềm là người chạy thử (test) phần mềm hoặc ứng dụng để xác nhận rằng phần mềm/ứng dụng đó đáp ứng đúng các yêu cầu thiết kế, phát triển và vận hành. Nói cách khác, đó là người thực hiện quy trình chạy thử phần mềm/ ứng dụng nhằm tìm ra lỗi (bugs) trong quá trình thiết kế, phát triển và vận hành thử. Thông thường, kiểm thử phần mềm là công đoạn cuối trong một quy trình phát triển phần mềm, trước khi sản phẩm được tung ra thị trường hoặc đưa vào sử dụng.
Kỹ sư kiểm thử phần mềm là thành viên không thể thiếu của bộ phận đảm bảo chất lượng (Quality Assurance – QA) trong một công ty phần mềm. Đây là nghề hay được gọi vui là “vạch lá tìm sâu” của ngành CNTT. Trong quá trình kiểm thử, nếu phát hiện lỗi kỹ sư kiểm thử phần mềm sẽ ghi lỗi đó vào chương trình quản lý lỗi. Khi đọc báo cáo lỗi thì lập trình viên có thể sửa hoặc không sửa lỗi. Nếu lỗi được sửa thì kỹ sư kiểm thử phần mềm phải kiểm thử lại. Nếu lỗi được sửa thành công thì kỹ sư, kiểm thử viên “đóng” lỗi trong chương trình quản lý lỗi. Nếu lỗi vẫn chưa được sửa thì đặt trạng thái “mở” và cứ tiếp tục như thế. Hãy thử bắt đầu với công việc này nếu bạn chưa biết học công nghệ thông tin làm nghề gì?
Chuyên viên phân tích nghiệp vụ (System/Business Analyst) – Người “mai mối” khéo léo
Chuyên viên phân tích nghiệp vụ có thể được ví như “chiếc cầu nối” giữa doanh nghiệp/ khách hàng và đơn vị phát triển phần mềm. Chuyên viên phân tích nghiệp vụ sẽ thường xuyên làm việc với lập trình viên, trưởng nhóm phát triển phần mềm, quản lý dự án và các nhân viên CNTT khác để triển khai các giải pháp dưới hình thức là hệ thống hóa thành các mô hình thích hợp. Vì vậy, chuyên viên phân tích nghiệp vụ còn là người giúp “điều hòa” không khí và là “chất keo” gắn kết các thành viên trong dự án. Đây có thể là lý do vì sao người ta gọi chuyên viên phân tích nghiệp vụ là người sống trong hai thế giới – thế giới kinh doanh và thế giới phát triển phần mềm.
Kỹ sư cầu nối (Bridge Software Engineer)
Nếu phần lớn các kỹ sư CNTT có thể sử dụng tiếng Anh thì với các khách hàng sử dụng tiếng Nhật, Pháp, Hàn Quốc… số lượng kỹ sư CNTT Việt Nam thành thạo các ngôn ngữ này ít hơn nhiều nên cần các kỹ sư cầu nối, là những kỹ sư CNTT thành thạo ngoại ngữ, để kết nối giữa khách hàng và người làm kỹ thuật, đảm bảo các bên hiểu nhau dù có trở ngại về ngôn ngữ.
Công việc chính của các kỹ sư cầu nối là làm việc trực tiếp với khách hàng và truyền đạt yêu cầu của khách hàng cho những người làm kỹ thuật và ngược lại. Kỹ sư cầu nối cũng làm các công việc về kỹ thuật chứ không phải là phiên dịch.
Quản lý dự án
Quản lý dự án là người chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho dự án và xây dựng, quản lý nhóm để thực hiện dự án. Để có thể quản lý dự án thành công, nhân sự phải được đào tạo và trang bị một quy trình quản lý “chuẩn”. Người quản lý sẽ đóng vai trò điều phối hoạt động của dự án được trơn tru. Lập kế hoạch là kỹ năng then chốt cho công việc này. Mỗi công ty sẽ có một quy trình riêng, nhưng cũng sẽ có một số bước cơ bản bắt buộc như tìm hiểu mục tiêu dự án, lên kế hoạch thực hiện, chọn lựa nhân sự cho dự án và quản lý tiến độ thực hiện dự án.
Nhóm nghề lĩnh vực mạng và an toàn thông tin mạng
Kỹ sư quản trị mạng
Từ khi các máy tính được nối mạng (LAN/WAN/Internet) thì cần những người quản trị mạng để đảm bảo hệ thống mạng máy tính luôn hoạt động thông suốt. Kỹ sư quản trị mạng ngoài việc đảm bảo cho kết nối mạng luôn ổn định thì còn phải quản lý chặt chẽ để thiết bị không bị tấn công, đánh cắp dữ liệu.
Kỹ sư an toàn thông tin
Kỹ sư an toàn thông tin là người tìm hiểu các điểm yếu của hệ thống thông tin, khả năng hệ thống hoặc dữ liệu bị hủy hoại hoặc đánh cắp do rủi ro hay bị tấn công có chủ đích. Từ đó xây dựng giải pháp an ninh để bảo vệ hệ thống, hoặc tái lập hệ thống khi sự cố an ninh xảy ra. Hay nói khác hơn kỹ sư an ninh là “vệ binh” của cả một hệ thống công nghệ.
Nhân viên hỗ trợ kỹ thuật (IT Supporter)
Tùy theo doanh nghiệp lớn nhỏ mà nhân viên hỗ trợ kỹ thuật có vai trò khác nhau. Trong doanh nghiệp, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật thường nằm trong bộ phận vận hành và quản trị hệ thống.
Nhân viên hỗ trợ kỹ thuật có thể làm việc công ty sản xuất máy tính, công ty phần mềm, công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng về một sản phẩm cụ thể, hay các doanh nghiệp lớn có nhiều hệ thống máy tính và phần mềm.
Quản lý công nghệ thông tin ( IT manager)
Quản lý công nghệ thông tin (IT manager) là cầu nối giữa bộ phận IT và ban quản lý doanh nghiệp, hay nói cách khác Quản lý công nghệ thông tin (IT manager) là người chuyển đổi ngôn ngữ kinh doanh sang ngôn ngữ kỹ thuật. Với một số doanh nghiệp nhỏ thì Quản lý công nghệ thông tin (IT manager) có thể cũng là một thành viên của đội ngũ IT để vận hành hệ thống.
Quản lý công nghệ thông tin (IT manager) chính là người đặt nền tảng kiến trúc cho hạ tầng hệ thống CNTT trong doanh nghiệp.
Nhóm nghề lĩnh vực đa phương tiện
Chuyên viên thiết kế đồ họa (Graphics Designer/Web/GUI Designer)
Khi tự thắc mắc “Học công nghệ thông tin làm nghề gì?” thì bạn sẽ ngạc nhiên khi học ngành này lại có thể làm thiết kế đấy.
Đồ họa là sự kết hợp giữa nghệ thuật và thông tin, và thiết kế đồ họa là loại hình nghệ thuật ứng dụng, kết hợp hình ảnh chữ viết và ý tưởng một cách sáng tạo để truyền đạt thông tin hiệu quả và thú vị qua các ấn phẩm in ấn (báo, tờ rơi, poster,…) và trực tuyến (web, clip quảng cáo,…).
Chuyên viên truyền thông đa phương tiện
Truyền thông đa phương tiện là việc ứng dụng CNTT trong sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mỹ thuật mang tính ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông (truyền hình, quảng cáo, biên tập âm thanh, hình ảnh,…), giải trí (game, điện ảnh, hoạt hình 2D/3D,…), giáo dục (hướng nghiệp, minh họa trực quan,…), website và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Đây cũng là ngành “hot” của lĩnh vực công nghệ đang được các bạn học sinh chọn học nhiều nhất trong các ngành Đại học.
Nhóm nghề lĩnh vực khác
Kỹ sư thiết kế vi mạch (Integrated Circuit Designer – ICD)
“Vi mạch là phần “não bộ” của một thiết bị công nghệ”, điều khiển toàn bộ hoạt
động thông qua ngôn ngữ lập trình được tích hợp mã hóa trong bảng vi mạch. Nếu như phần mềm điều khiển là phần “tư duy” của một thiết bị công nghệ, thì vi mạch là phần não bộ chứa toàn bộ phần tư duy đó để kết nối với các bộ phận khác và vận hành toàn bộ thiết bị.
Người thiết kế vi mạch sẽ tạo ra các mạch tích hợp, chẳng hạn bản mạch hoặc con chip, để phục vụ cho một mục đích cụ thể nào đó, ví dụ một chip (sản phẩm ASIC) được thiết kế để phục vụ cho mục đích thu thập dữ liệu âm thanh hoặc là xử lý hình ảnh. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ thiết kế, một thiết kế chip có thể bao gồm bộ vi xử lý chính, bộ xử lý vùng nhớ và các khối xử lý khác.
Chuyên viên quản trị Website
Quản trị Website là người chịu trách nhiệm một trang Web. Công việc của họ là đầu mối liên hệ các vấn đề liên quan đến website, chịu trách nhiệm chính cho hệ thống Website, là nhân tố quyết định về mặt nội dung và kỹ thuật. Trong một vài trường hợp công ty phân biệt rõ ràng về mặt kỹ thuật và nội dung, thì Webmaster và Web Administrator được phân ra thành hai người.
Kỹ sư hệ thống thông tin (ERP/MIS/SI Engineer)
Kỹ sư hệ thống thông tin hoặc kỹ sư tích hợp hệ thống có công việc liên quan đến việc khảo sát, tư vấn, triển khai, phát triển, vận hành, bảo trì và nâng cấp, cải tiến các hệ thống liên quan đến MIS/ERP và SI*.
Chuyên viên nghiên cứu phát triển (IT Researcher)
Chuyên viên nghiên cứu phát triển CNTT là chuyên gia về công nghệ, thành viên không thể thiếu của đội ngũ Nghiên cứu & Phát triển (Research & Development) trong một công ty CNTT.
Giảng viên chuyên ngành CNTT (IT Teacher/Instructor)
Chương trình giảng dạy CNTT giúp người học tìm hiểu và nghiên cứu về hệ thống máy tính cũng như phát triển phần mềm. Công nghệ phần mềm là một trong các chuyên ngành chính được giảng dạy trong ngành CNTT của các trường đại học kỹ thuật. Nội dung của chuyên ngành bao gồm những khái niệm cơ bản và các kiến thức nâng cao liên quan đến các phương pháp và công cụ trợ giúp phát triển phần mềm một cách hiệu quả, tin cậy và tiết kiệm.
Chuyên viên tư vấn CNTT (Consultant/Expert)
Tư vấn giải pháp CNTT là một nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, tư duy hệ thống và có cái nhìn đa chiều. Đóng vai trò cầu nối, nhà tư vấn sẽ hỗ trợ thông tin để giúp doanh nghiệp thuê tư vấn tiếp cận và chọn ra những nhà cung cấp giải pháp thích hợp nhất.
Chuyên viên kinh doanh kỹ thuật (Technical Sales & Marketing)
Chuyên viên kinh doanh kỹ thuật là một thành viên trong đội ngũ sales & marketing của công ty. Nghề này đòi hỏi kết hợp kiến thức kỹ thuật, CNTT, kỹ năng con người và hiểu biết về ngành kinh doanh của công ty để có thể thấu hiểu các nhu cầu của khách hàng và tư vấn giải pháp cho họ.
Kỹ sư quản trị cơ sở dữ liệu (Database Administrator)
Kỹ sư quản trị cơ sở dữ liệu là người thiết kế và quản lý dữ liệu trong hệ thống thông tin sao cho dữ liệu luôn sẵn sàng, an toàn, ổn định và chính xác.
Trên đây là tổng quan tất cả các công việc mà bạn sẽ lựa chọn khi theo đuổi lĩnh vực Công nghệ thông tin. Để có được sự nghiệp thành công trong ngành này, bạn cần xác định công việc sau khi ra trường mà mình muốn. Từ đó, bạn sẽ biết mình cần học kiến thức nào và rèn luyện kỹ năng nào để có thể thực hiện công việc đó. Đảm bảo với lộ trình này, bạn sẽ là ứng cử viên sáng giá mà mọi doanh nghiệp CNTT đang săn tìm sau khi ra trường. Nếu bạn còn đang băn khoăn chưa định hướng được trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, hãy kết nối ngay với các chuyên gia CNTT của trường Đại học Thái Bình Dương qua Fanpage – Khoa Công Nghệ Thông Tin nhé. Mọi câu hỏi của bạn sẽ được giải đáp từ các chuyên gia CNTT đầy kinh nghiệm đấy.
Bên cạnh đó, để biết thêm về các kiến thức khi lựa chọn ngành này hãy tham khảo tại Ngành Công nghệ thông tin trường đại học Thái Bình Dương nhé!
Nguồn: https://mic.gov.vn/
ĐỌC THÊM: